HOTLINE: 19009204

  • tieng-viet
  • tieng-anh

5 dấu hiệu bạn bị mất nước: Hãy bổ sung nước ngay!

Mùa hè tới là lúc thời tiết chuyển nắng nóng, khiến nhu cầu cung cấp nước cho cơ thể tăng lên, đặc biệt ở những người hoạt động ngoài trời. Khi cơ thể thiếu nước, hoạt động của các cơ quan sẽ thay đổi, dẫn tới những triệu chứng bất thường. Lúc đó, có thể chúng ta đã gặp phải một tình trạng gọi là mất nước.

Một điều đáng lưu ý, khi cơ thể thiếu nước, biểu hiện không đơn giản chỉ là khát. Do đó, đây là một vấn đề dễ bị bỏ qua. Vậy mất nước nguy hiểm như thế nào, các biểu hiện khác ra sao… Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về tình trạng thường gặp này.

Mất nước là gì?

Nước chiếm khoảng 75% cơ thể chúng ta, trong các tế bào, giữa các tế bào, trong mạch máu… Lượng nước cần thiết không giống nhau ở mỗi người. Trung bình, mỗi ngày một người trưởng thành cần uống 2 lít nước.

Hằng ngày, lượng nước trong cơ thể mất qua mồ hôi, nước mắt, nước bọt, hoạt động tiêu tiểu… Bình thường, lượng nước này được bù lại qua đường ăn uống.

Mất nước là tình trạng cơ thể chúng ta sử dụng hoặc mất đi lượng nước nhiều hơn lượng nước được cung cấp hằng ngày. Nếu lượng thiếu hụt không được bù đủ thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước. Thiếu nước khiến các cơ quan không thể thực hiện các chức năng một cách bình thường. Từ đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện từ nhẹ tới nặng, thậm chí có thể tử vong.

Mất nước biểu hiện như thế nào?

Những triệu chứng của mất nước dễ nhận thấy là khát, giảm lượng nước tiểu hoặc nước tiểu sậm màu. Màu sắc nước tiểu là dấu hiệu đáng tin cậy. Bình thường nước tiểu vàng trong, khi thiếu nước lượng nước tiểu ít đi và sẫm màu. Trong khi đó, cảm giác khát không phải luôn gặp. Nhiều người, đặc biệt là người già, không cảm thấy khát trong khi cơ thể đã thật sự mất nước. Ở trẻ em, cần nhiều dấu hiệu tinh tế hơn để nhận ra tình trạng mất nước. Nói chung, mất nước có thể được nhận ra nhờ những biểu hiện khác nhau theo lứa tuổi.

Ở trẻ em:

  • Khô miệng và khô lưỡi.
  • Khóc không có nước mắt.
  • Tã của trẻ không ướt sau mỗi 3 giờ.
  • Mắt trũng, má trũng.
  • Trẻ kích thích, nặng hơn có thể lừ đừ.

Ở người lớn:

  • Khô miệng.
  • Ngủ gà, lơ mơ.
  • Yếu cơ.
  • Sốt/ớn lạnh
  • Hoa mắt, chóng mặt

Các triệu chứng nặng (khi mất 10 – 15% tổng lượng nước trong cơ thể) gồm: không chảy mồ hôi, mắt trũng, da khô hoặc nhăn nheo, huyết áp thấp, nhịp tim tăng, sốt, mê sảng, mất ý thức.

Nguyên nhân nào khiến cơ thể mất nước?

Hai nhóm nguyên nhân chính dẫn tới mất nước là do cung cấp không đủ và do mất nước quá nhiều.

- Do cung cấp không đủ nước cho cơ thể

Đó có thể là những nguyên nhân rất quen thuộc. Ví dụ như bạn không thể uống đủ nước do quá bận bịu hoặc bị ốm. Bạn không muốn uống nước do đau họng, loét miệng, bệnh lý dạ dày… Hay đơn giản bạn không đem theo nước sạch khi đi leo núi, cắm trại…

- Do mất nước quá nhiều

  • Tiêu chảy hoặc nôn ói: có thể gây ra mất nước và điện giải chỉ trong thời gian ngắn. Tiêu chảy còn là nguyên nhân gây mất nước dễ dẫn tới tử vong nhất, đặc biệt ở trẻ em và người già.
  • Sốt: sốt càng cao cơ thể càng nhanh mất nước.
  • Đổ mồ hôi quá mức: do các hoạt động thể lực, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời. Ngoài ra, thời tiết nóng cũng góp phần khiến cho cơ thể mất nước nếu bạn không bổ sung lại một lượng nước thích hợp.
  • Tiểu nhiều: nếu ở mức độ đáng kể có thể dẫn tới mất nước. Tiểu nhiều có thể là biểu hiện của một bệnh lý. Đó có thể là bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt. Thuốc cũng có thể gây tiểu nhiều, như thuốc lợi tiểu, một số thuốc hạ áp, thuốc chống loạn thần…
  • Bỏng: làm mạch máu tổn thương, dẫn tới dịch bị rò rỉ khỏi lòng mạch vào mô xung quanh.

Những ai dễ rơi vào tình trạng này?

Bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng mất nước. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ cao hơn, có thể kể đến như:

  • Trẻ em: có nhiều yếu tố khiến cho trẻ mất nước. Đó có thể là tình trạng tiêu chảy, nôn ói hoặc các bệnh lý gây sốt. Hơn nữa, trẻ nhỏ không thể nói ra cảm giác khát và không thể tự uống nước.
  • Người già: theo thời gian, khả năng dự trữ dịch của cơ thể giảm dần. Đồng thời, cảm giác khát cũng không còn nhạy cảm như thời trẻ. Người già còn có thể mắc các bệnh lý như đái tháo đường hay đang sử dụng một vài loại thuốc. Một số người già có thể còn gặp khó khăn trong việc tự uống nước.
  • Người mắc các bệnh mãn tính: như đái tháo đường, các bệnh lý của thận, các bệnh lý cần sử dụng thuốc lợi tiểu, bệnh xơ nang, nghiện rượu hoặc các bệnh lý của tuyến thượng thận.
  • Người làm việc ngoài trời, đặc biệt trong điều kiện nắng nóng như vận động viên marathon, đua xe đạp…

Các biến chứng có thể gặp khi cơ thể mất nước

Mất nước có thể dẫn tới một loạt các hậu quả nghiêm trọng. Có thể kể tới như:

  • Tổn thương do nhiệt: có thể nhẹ như chuột rút cho tới nguy hiểm tính mạng như sốc nhiệt.
  • Các bệnh lý liên quan đến thận: tình trạng thiếu nước kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu, hình thành sỏi thận, nặng nề nhất là suy thận.
  • Động kinh: mất nước dẫn tới mất và rối loạn cân bằng điện giải như natri, kali. Tình trạng này gây ra sự rối loạn trong dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể. Hậu quả là các cơn co cơ không tự ý, một số trường hợp có thể mất ý thức.
  • Sốc giảm thể tích: là một trong những biến chứng nặng nề nhất, đe dọa tính mạng. Mất nước khiến thể tích dịch lưu thông trong lòng mạch giảm, dẫn tới huyết áp giảm. Khi đó, các cơ quan thiết yếu không đủ oxy và dưỡng chất để duy trì hoạt động.

Mất nước được xử trí ra sao?

Điều trị tốt nhất khi mất nước là bổ sung kịp thời lượng dịch và điện giải đã mất. Tùy theo lứa tuổi, độ nặng và nguyên nhân mà cách bổ sung cũng thay đổi.

  • Với trẻ nhỏ, có thể pha dung dịch tại nhà từ nước, muối và đường. Bắt đầu cho trẻ uống với muỗng (khoảng 5ml) mỗi 1 tới 5 phút tới khi trẻ không còn nhu cầu. Với trẻ không uống được hoặc trẻ rất nhỏ có thể cần truyền dịch đường tĩnh mạch.
  • Với người lớn, các trường hợp mất nước nhẹ tới vừa, có thể bù dịch bằng uống nhiều nước hoặc các dung dịch khác. Chú ý khi tiêu chảy, các loại nước trái cây hay nước ngọt nên hạn chế vì có thể làm nặng hơn tình trạng này. Tránh các đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà, sô-đa… Khi bù dịch qua đường uống thất bại, cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để bù dịch qua đường tĩnh mạch.

Điều trị nguyên nhân nếu có. Có thể cần tới các thuốc như hạ sốt, giảm nôn ói.

Cần làm gì để phòng ngừa?

  • Uống đủ nước, ăn những loại thức ăn chứa nhiều nước, nhất là vào mùa hè. Nhu cầu nước mỗi người không giống giống nhau. Mặc dù vậy, các chuyên gia khuyên không nên đợi tới khi khát mới uống nước. Tốt hơn là uống từng ngụm nhỏ, một cách đều đặn. Khi thời tiết không quá nóng, nước ấm là sự lựa chọn tốt hơn.
  • Bổ sung nước nhiều hơn bình thường khi gặp các vấn đề như tiêu chảy, nôn ói.
  • Với các công việc nặng, đặc biệt nếu ở ngoài trời, nên uống nước trước và trong khi làm. Có thể đánh giá cơ thể đủ nước nếu nước tiểu loãng, vàng trong.
  • Khi thời tiết lạnh cũng cần bổ sung nước vì lúc này không khí thường khô hơn, dẫn tới mất nước qua hơi ẩm.
  • Người già mắc các bệnh lý dù nhẹ như cảm cúm, viêm phế quản, nhiễm trùng bàng quang nên uống nhiều nước hơn thường ngày dù chưa biểu hiện triệu chứng của mất nước.

Mất nước có thể gây nguy hiểm tính mạng như dẫn tới sốc nhiệt, tụt huyết áp. Do đó, quan trọng nhất là nên uống đủ nước, đặc biệt là khi hoạt động nặng trong điều kiện nắng nóng. Đồng thời, cần chú ý những biểu hiện mất nước sớm ở những đối tượng nguy cơ như trẻ em, người già để có thể xử trí kịp thời.

TAGS :

TIN MỚI

Giờ làm việc: Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hàng tuần

Sáng: 7h30 đến 12h00 - Chiều: 13h30 - 17h00

Số 11-13-15 Trần Xuân Soạn, P. Phạm Đình Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE: 1900 9204

Điện thoại.(024)-3.622.77.99

Email: support@drbinh.com - Website: www.drbinh.com

Chúng tôi tự hào là đối tác tin cậy của:

Top
zalo
zalo