Nên làm gì khi tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19?
- Những dấu hiệu thận yếu cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả
- Những bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và cách phòng tránh
- Sốt xuất huyết thường bị vào mùa nào? Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu trong suốt thai kỳ
Nếu bạn tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, hãy nhanh chóng thông báo với cộng đồng và thực hiện các biện pháp cách ly càng sớm càng tốt.
Covid-19 là một bệnh viêm phổi cấp do một loại virus mới có tên SARS-CoV-2 gây ra, có thể lây lan từ người sang người. Các triệu chứng coronavirus chủng mới phổ biến nhất là sốt, ho khan và khó thở. Bạn sẽ cần được cách ly và theo dõi sát sao khi tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19.
Kể từ ca nhiễm Covid-19 số 17 công bố vào ngày 7-3-2020, bạn có thể nhận thấy số ca nhiễm tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhanh do dịch bệnh lây lan từ người sang người. Nguy cơ bạn tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào, thậm chính ở ngay chính trong… ngôi nhà của bạn!
Nhận biết nguy cơ tiếp xúc người nhiễm Covid-19
Bạn có thể nhận biết bản thân có nguy cơ cao tiếp xúc người nhiễm Covid-19 khi thuộc các trường hợp sau đây:
- Chăm sóc người nhiễm Covid-19
- Sống cùng nhà với người nhiễm Covid-19
- Tiếp xúc trong vòng 2 mét với người nhiễm Covid-19 trong khoảng 10 phút
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm Covid-19 (giọt bắn khi ho, ôm hôn nhau, dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân…)
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ khiến tình trạng nhiễm Covid-19 tiến triển nặng hơn bao gồm: tuổi từ 60 trở lên, đang mang thai hoặc có bệnh lý nền.
Nếu bạn không tiếp xúc gần với người nhiễm virus corona chủng mới, nguy cơ bạn bị lây nhiễm sẽ thấp hơn. Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể tiếp tục ra ngoài để tham gia các hoạt động thông thường. Nếu nghi ngờ bị lây nhiễm từ người bệnh Covid-19, bạn nên tự cách ly tại nhà, theo dõi trong vòng 14 ngày và tránh tiếp xúc mọi người xung quanh.
Trường hợp tiếp xúc với người nhiễm Covid-19
Nếu bạn gặp phải triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở ngay cả khi các triệu chứng rất nhẹ, bạn có khả năng cao đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong khoảng thời gian từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc người nhiễm Covid-19 đến khi khởi phát bệnh, người bệnh có thể bị sốt và tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng có thể gây viêm phổi hoặc nhiều biến chứng khác khiến bệnh nhân tử vong, đặc biệt là trường hợp có bệnh lý nền như bệnh hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim…
Khi phát hiện bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, bạn nên tự cách ly tại nhà. Đồng thời, bạn nên liên hệ với số điện thoại Bộ Y tế cung cấp để được tư vấn cách xử lý phù hợp.
Bộ Y tế công bố 2 số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV 2019: 1900 3228 và 1900 9095.
Bạn cũng có thể liên lạc với đường dây nóng của các bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm nCoV:
- Bệnh viện E | Hà Nội: 091 216 8887
- Bệnh viện Bạch Mai | Hà Nội: 096 985 1616
- Bệnh viện Vinmec Hà Nội | Hà Nội: 093 447 2768
- Bệnh viện Nhi trung ương | Hà Nội: 037 288 4712
- Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội | Hà Nội: 090 413 8502
- Bệnh viện Phổi trung ương | Hà Nội: 096 794 1616
- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương | Hà Nội: 096 924 1616
- Bệnh viện tỉnh Thái Bình | Thái Bình: 098 950 6515
- Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn | Lạng Sơn: 039 680 2226
- Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí | Quảng Ninh: 096 668 1313
- Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên | Thái Nguyên: 091 339 4495
- Bệnh viện Trung ương Huế | Huế: 096 530 1212
- Bệnh viện Đà Nẵng | Đà Nẵng: 090 358 3881
- Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa | Khánh Hòa: 096 537 1515
- Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa | Khánh Hòa: 091 346 4257
- Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ | Cần Thơ: 090 773 6736
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai | Đồng Nai: 081 963 4807
- Bệnh viện Nhi đồng 1 | Hồ Chí Minh: 091 311 7965
- Bệnh viện Nhi đồng 2 | Hồ Chí Minh: 079 842 9841
- Bệnh viện Chợ Rẫy | Hồ Chí Minh: 096 987 1010
- Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM | Hồ Chí Minh: 096 734 1010
Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương đang sống để được hỗ trợ nhanh chóng cách xử lý phù hợp.
Lưu ý khi bạn nghi ngờ khả năng nhiễm Covid-19
Khi bạn nghi ngờ mình có khả năng lây bệnh từ người nhiễm Covid-19, hãy lưu ý những điều sau đây để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng:
1. Bạn cần đeo khẩu trang thường xuyên
Việc đeo khẩu trang là hành động cần thiết đối với người nhiễm bệnh và người không bị nhiễm để phòng ngừa virus corona chủng mới. Mục tiêu quan trọng nhất của việc đeo khẩu trang chính là để bảo vệ người khác. Nếu bản thân bạn mắc bệnh, khẩu trang sẽ giúp ngăn lại các dịch tiết ra ngoài hơn là bảo vệ bản thân khỏi tác động từ bên ngoài vào.
Bạn cũng cần lưu ý sử dụng khẩu trang đúng cách về thao tác đeo vào, tháo ra, chỉnh sửa cũng như lựa chọn loại phù hợp để tối ưu hóa ngăn ngừa lây nhiễm.
Bên cạnh khẩu trang, bạn cũng cần chú ý che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân hay dụng cụ ăn uống, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
2. Bạn nên luôn trung thực khi khai báo
Một trong những hành động quan trọng và nên làm nhất khi tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 là sự trung thực khi khai báo. Bạn hãy thông báo các triệu chứng nhiễm Covid-19 virus SARS-CoV-2 gây ra, đồng thời chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế. Bạn nên khai báo càng sớm càng tốt ngay cả khi triệu chứng còn ở mức độ nhẹ hoặc chưa rõ ràng.
Chúng ta cần ý thức cao hơn trong việc khai báo trung thực với nhân viên y tế. Nếu bạn tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, đừng chần chừ thông báo với những người có tiếp xúc với bạn.
Sau khi biết mình có tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19, nhiều người dễ rơi vào tâm lý bất ổn và lo âu sợ bị kỳ thị nên có xu hướng trốn tránh cách ly. Thực tế, cách hành xử hay lời khai báo không trung thực không những sẽ làm khổ mình mà còn gây hại cho người khác. Trong thời điểm dịch đang bùng phát, việc khai báo trung thực là hành động vô cùng cần thiết để bảo vệ mọi người xung quanh, cũng như hỗ trợ nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh.
3. Bạn sẽ được phân loại diện cách ly
Khi nghi ngờ khả năng nhiễm Covid-19, bạn cần biết cách phân loại diện cách ly để kịp thời thực hiện các biện pháp cách ly cần thiết. Nếu người nhiễm Covid-19 là F0 thì những người tiếp xúc gần với F0 là F1 (những người nghi nhiễm). Những người tiếp xúc với F1 là F2, tương tự những người tiếp xúc với F2 là F3.
Mỗi diện F đều có những khuyến cáo khác nhau về cách ly về phòng dịch, đồng thời phải báo cho những F khác biết về tình trạng của mình.
Nguyên tắc cách ly phòng dịch. Ảnh: Báo Thanh Niên
Nếu biết cách xử lý phù hợp khi phát hiện mình tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, bạn sẽ duy trì được tâm lý bình tĩnh để đối diện với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bạn cần nhanh chóng thực hiện những điều nên làm để phòng ngừa Covid-19, đồng thời tránh tạo áp lực cho người nhiễm bệnh. Suy cho cùng, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể vô tình trở thành F0 nên đừng bao giờ kỳ thị người nhiễm Covid-19 nhé.
Các bài viết của Dr.Binh Tele_Clinic chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.