HOTLINE: 19009204

  • tieng-viet
  • tieng-anh

Virus corona không bay trong không khí - P1

nCoV không đủ nhẹ để bay lơ lửng trong không khí, cách lây của nó chỉ có thể qua giọt bắn từ người bệnh, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, nói. 

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng và Phó Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, giải đáp các câu hỏi của độc giả về dịch viêm hô hấp cấp do virus corona mới. 

- Bác sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm điều trị hai ca bệnh ở Chợ Rẫy, cùng với khuyến cáo chung cho người dân trước tình hình dịch. (Trần Minh Nguyệt, 42 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:

Chào bạn! Như chúng ta biết, hiện chưa có phác đồ điều trị chính thống về diệt virus và thuốc đặc trị virus. Khuyến cáo chung của các nhà khoa học là điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên, điều trị khác nhau ở mỗi nơi dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân.

Hai trường hợp ở Bệnh viện Chợ Rẫy, một người trẻ tuổi không bệnh và người bố trên 60 tuổi có rất nhiều bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy mạch vành, ung thư phổi đã qua phẫu thuật. 

Với người con, chúng tôi đánh giá toàn bộ tình trạng bệnh nhân. Chúng tôi chỉ sử dụng một loại thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó là một số biện pháp triệt để như mở rộng cửa tạo luồng không khí tự nhiên, 12 luồng không khí tự nhiên mỗi giờ, nhiệt độ phòng cao, có ánh nắng mặt trời, giảm đời sống virus. Thứ hai, chúng tôi áp dụng biện pháp súc họng bằng dung dịch sát khuẩn. Tài liệu nước ngoài chưa từng đề cập nhưng qua kinh nghiệm điều trị và bằng chứng khoa học về săn sóc bệnh nhân thở máy, chúng tôi áp dụng biện pháp súc họng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, ngăn ngừa virus. Đây là biện pháp khác biệt. Trong các khuyến cáo của WHO cũng chưa từng áp dụng. Chỉ sau 4 ngày điều trị, người con đã chuyển biến tốt. Xét nghiệm sau đó chỉ là bước khẳng định âm tính với virus.

Trong khi đó, người cha nhiều bệnh, phải xét nghiệm mỗi ngày để phán đoán chuyện gì có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh lượng thuốc. Một người vừa suy giảm miễn dịch, vừa nhiều bệnh, chỉ cần thay đổi nhẹ cũng ảnh hưởng lớn. Quan trọng nhất là phải theo dõi, áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện sớm biến chứng và ngăn ngừa. Làm sao để giữ sức cho bệnh nhân, cơ thể ổn định, chống lại sự tàn phá của virus. 

Với khuyến cáo chung cho người dân, các phương tiện truyền thông đại chúng đã công bố một số phương pháp phòng ngừa như khẩu trang, rửa tay thường xuyên... rất rõ ràng. Mong mọi người tuân thủ các phương pháp để hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc trực tiếp với virus.

Thông tin của Bộ Y tế và các ban ngành liên quan đã đưa tin hàng ngày. Người dân nên theo dõi chặt chẽ để nắm bắt sự biến đổi, nhất là với loại virus lạ mà các nhà khoa học chưa có hiểu biết cặn kẽ. Do đó cần theo dõi thông tin liên tục.

Hiện tại, các thông tin tại Việt Nam cũng rất minh bạch, cập nhật nhanh. Bất cứ ca mới nào xuất hiện cũng đã có thông tin cho người dân. Tình hình của từng bệnh nhân cập nhật hàng ngày. Tôi nghĩ đây là thông tin minh bạch không kém các nước phát triển. Do đó, chúng ta không nên tìm đến thông tin không chính thống dẫn đến sai lầm, thất thiệt.


Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Hữu Khoa.

- Tôi ở TP HCM, con tôi được 3 tuổi, có nên cho bé vào trường học trong thời gian này không? Khả năng bị lây nhiễm cho các bé trong trường mẫu giáo thế nào? Xin cám ơn (Trần Trung Nghĩa, 41 tuổi, 242 Bà Hom, P13, Q6)

- Phó Giáo sư Phan Trọng Lân:

Đối với TP HCM hiện nay hệ thống giám sát kiểm soát của thành phố tốt, các trường hợp xâm nhập đã được phát hiện kịp thời, xử lý triệt để. Do đó, đối với các cháu chưa đi về từ vùng có dịch có thể đến trường. Bố mẹ nên theo dõi các hướng dẫn của ban chỉ đạo quốc gia thành phố để có các ứng xử kịp thời.

Đối với các bé khi đến trường, các thầy cô giáo phải đảm bảo xử lý môi trường bề mặt bằng các dung dịch sát khuẩn cũng như khuyến cáo mạnh mẽ. Những em đi về từ vùng dịch hoặc có biểu hiện nghi ngờ nhiễm nCoV phải được cách ly ở nhà. 

- Tôi đã đến công tác tại Thượng Hải, Giang Tô từ tháng 9/2019. Gần đây nhất trên chuyến xe đi Nha Trang tôi đi cùng nhiều khách du lịch Trung Quốc, chuyến đi vào ngày 19/1. Tôi không mang khẩu trang khi đi xe và khoảng cách tiếp xúc với các hành khách Trung Quốc trong phạm vi 2 mét. Hiện tôi thấy lo lắng, rất mong nhận được lời khuyên củabác sĩ. (Thiện, 34 tuổi, TP HCM)

- Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:

Cách lây lan của virus là qua đường giọt bắn và qua đường tiếp xúc khi giọt bắn chạm vào vật dụng mà chúng ta chạm phải, khiến virus đi vào đường hầu họng, hô hấp. Bạn lo lắng là đúng nhưng không nên hoảng sợ.

Chúng tôi lấy ví dụ 3 trường hợp mà bệnh viện tiếp nhận: người vợ tiếp xúc với ông chồng trước người con nhưng không phát bệnh. Điều này chứng minh điều gì? Dù khoa học chưa chứng minh yếu tố thuận lợi để nhiễm bệnh, nhưng không phải ai tiếp xúc với người bệnh cũng mắc bệnh. Tôi không nói bạn cứ yên tâm, nhưng vấn đề là trong số những người tiếp xúc có người mắc bệnh và có người không. Với người mắc bệnh, trong vòng 14 ngày, bạn có thể sẽ phát bệnh nếu thực sự nhiễm virus.

Trong vòng 14 ngày này, bạn cần tự theo dõi. Một là xem xem mình có sốt không, ho sổ mũi, đau người hoặc bất cứ bất thường nào, đặc biệt là triệu chứng sốt. Khi khởi phát sốt, có thể là kéo dài, có thể là thành cơn, kèm theo ho, khạc đàm, đau họng, cần phải tới ngay cơ sở y tế để khám bệnh và được theo dõi. 

Trong thời gian này, bạn đang lo lắng và nghi ngờ có thể nhiễm bệnh. Do đó, cần tránh đến nơi đông người, để giảm rủi ro phát tán, đặc biệt lưu ý khi tiếp xúc thành viên gia đình. Bạn nên đeo khẩu trang thường xuyên để hạn chế nhiễm bệnh và tránh làm văng giọt bắn, chất thải qua đường hô hấp có thể đem theo lượng virus lớn ra bên ngoài.

- Xin hỏi bác sĩ virus có lan truyền trong không khí hay không? Làm thế nào để phòng ngừa? (Khánh Anh, 28 tuổi, Quận 8)

- Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:

Như tôi đã nói có hai con đường lây lan của loại nCoV này. Con đường thứ nhất là tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn, con đường thứ hai là đụng chạm, sờ tay vào các chất trong vùng hầu họng của người bệnh, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi miệng.

Câu của bạn hỏi liên quan vấn đề virus này có lan truyền trong không khí không, tôi xin trả lời cho bạn rõ, trong y tế chúng tôi phân hai loại: là giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc. Khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu, ở đây khoảng cách khoảng 2 mét. Trên 2 mét thì bạn có thể tránh được. Loại thứ hai là khí dung. Kích thước và trọng lượng của một số loại virus rất nhẹ, nó có thể lơ lửng trong không khí khi mình ho, nó có thể bị gió thổi bay từ chỗ này sang chỗ khác. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh xa hơn, bán kính rộng lớn hơn. Chúng ta cần hiểu rõ hai loại này.

Với câu hỏi của bạn, tôi hiểu là bạn đang hỏi ở loại thứ hai: Liệu nó có thể bay trong không khí không? Tôi xin khẳng định là không có chuyện đó. Virus này không đủ nhẹ để bay. Chỉ khi nào giọt bắn tiếp xúc trực tiếp với bạn thì mới có khả năng. Điều này cũng giải thích cho chuyện vì sao mang khẩu trang thông thường cũng có thể ngăn ngừa được, vì khẩu trang có thể cản được giọt bắn.

- Tôi xin phép được hỏi Phó giáo sư Phan Trọng Lân: hiện nay trường học của các con tôi yêu cầu 100% các học sinh đeo khẩu trang trong suốt thời gian học ở trường để tránh lây nhiễm nCov, như vậy có cần thiết không ạ, vì sao? Cảm ơn ông! (Nguyễn Dung, 34 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư Phan Trọng Lân:


PGS Phan Trọng Lân. Ảnh: Giang Huy.

Việc sử dụng khẩu trang phải đúng cách trong mọi trường hợp. Sử dụng khẩu trang sai mục đích có thể làm tăng khả năng lan truyền của bệnh dịch. Nên đeo khẩu trang trong những trường hợp: khi chăm sóc tiếp xúc với người bệnh, sau đó bỏ ngay khẩu trang và rửa tay thật sạch; khi cảm thấy mình có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, kể cả các bệnh đường hô hấp mà phải tiếp xúc với người khác. 

Cách sử dụng khẩu trang như sau: đeo khẩu trang che kín miệng và mũi, không để khe hở. Khi đeo cần tránh sờ vào khẩu trang. Khi chạm vào khẩu trang đã sử dụng, cần rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sạch... Khẩu trang đang dùng bị hắt hơi hoặc ẩm, phải thay. Đeo khẩu trang một lần và rửa sạch tay sau khi tháo bỏ khẩu trang. 

Chú ý, trong khi sử dụng khẩu trang vẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh khác phòng ngừa lây lan, khi dùng khẩu trang xong cần tiêu hủy đúng cách. Như vậy, bố mẹ nên biết cách để sử dụng cho con em mình phù hợp.

- Bệnh có lây qua đường ăn uống không? Nếu gặp người nhiễm bệnh thì tiếp xúc trong bao lâu sẽ lây và thời gian ủ bệnh là bao lâu trước khi phát bệnh ra ngoài? (Nguyen Thanh Lan, 22 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:

Trước khi trả lời câu hỏi đầu tiên, tôi xin quay lại lịch sử virus này. Corona là một họ gồm nhiều loại virus mà nCoV đợt này là một loại virus biến chủng của nó. Họ virus này thường gặp trong gia súc, mèo, rắn, dơi, lạc đà... Khi biến chủng vì một lý do đặc biệt, nó có thể lây sang người. Do đó, đầu tiên cần hiểu rằng nguồn gốc của nó là động vật, nó có sẵn trong những loài động vật này.

Nếu chúng ta ăn thức ăn không chín, có thể nhiễm bệnh. Do đó, con đường ăn uống là con đường bỏ ngỏ, có thể gặp. Với riêng loại này, chưa có bằng chứng cụ thể là nó lây qua ăn uống, nhưng mình cần hiểu cơ chế như thế. Do đó con đường ăn uống cũng hoàn toàn có thể. Vì vậy, bạn cần chú ý ăn thức ăn chín, không được ăn sống.

Thời gian ủ bệnh biến thiên 1-14 ngày. Một báo cáo gần đây của các bác sĩ Trung Quốc dựa trên 425 bệnh nhân ở Vũ Hán, thời gian ủ bệnh trung bình 5-7 ngày. Ngoài ra, 14 ngày là giới hạn cuối cùng để xác định có bị lây bệnh hay không.

- Người đã nhiễm corona khi được chữa khỏi có bị nhiễm lại nữa không? (Hà Hạnh, 40 tuổi, Giải Phóng, Hà Nội)

- Phó giáo sư Phan Trọng Lân:

Đối với virus corona mới này bệnh nhân xuất viện khi có chỉ số lâm sàng về bình thường, hết sốt 3 ngày và đặc biệt sau 2 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính thì được kết luận khỏi bệnh. Tuy nhiên đây là một bệnh mới, do đó vấn đề miễn dịch, vấn đề mắc lại cần được tiếp tục nghiên cứu.

Virus corona không bay trong không khí - 2
- Cho tôi hỏi trên thị trường hiện nay có rất nhiều hãng và công ty sản xuất khẩu trang, vậy chất lượng có bảo đảm không và xài loại nào cho đúng. (Bùi Bảo Quốc, 55 tuổi, quận 4, TP HCM)

- Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:

Để phân loại chính xác, trong y tế có ba loại khẩu trang: nhân viên y tế thông thường, khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang phòng chống dịch bệnh như nCoV đợt này.

Trong ba loại, chỉ có khẩu trang N95 ngăn ngừa 95% virus vào hầu họng, vì thiết kế khẩu trang này có kích thước lỗ đủ nhỏ để ngăn ngừa virus. Còn hai loại kia không có khả năng phòng chống khi chúng ta tiếp xúc nguồn lây bệnh.

Tuy nhiên các loại khẩu trang khác cũng có tác dụng phòng ngừa. Bởi vì trong các dịch như thế này, trong quá trình chưa phát bệnh, virus có thể vào hầu họng và khi mình ho, hắt hơi sổ mũi, thậm chí nói lớn... giọt bắn có thể mang theo virus ra ngoài. Việc mang khẩu trang giúp ngăn sự phát tán của virus ra ngoài. Cộng hưởng với việc, người chưa bị bệnh cũng đeo khẩu trang thì có thể ngăn cản một phần. Do đó cùng lúc, mình mang khẩu trang cho cả người bệnh lẫn không bệnh, có thể có hiệu quả ngăn ngừa. Vì vậy các bạn vẫn nên sử dụng khẩu trang, kể cả các loại thông thường.

- Bác sĩ cho hỏi: nguy cơ lây nhiễm khi ngồi cùng hàng ghế với hành khách nghi vấn đến từ Trung Quốc trên cùng chuyến bay có cao không? Vào ngày 29/1, tôi có bay chuyến HN-SG được xếp chỗ ngồi cạnh một du khách nói tiếng Trung. Tôi có mang khẩu trang và sử dụng dung dịch nước rửa tay diệt khuẩn trên chuyến bay. Hiện tại cơ thể bình thường không có dấu hiệu sốt, chảy mũi hay viêm họng tuy nhiên do thời gian ủ bệnh có thể lên tới 14 ngày trước khi khởi phát nên rất lo lắng. Bác sĩ có thể tư vấn những bước tiếp theo nên làm (có cần phải đi khám và làm xét nghiệm không, nếu có nên đến đâu). Xin cảm ơn. (Anh Do)

- Phó giáo sư Phan Trọng Lân:

Đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus mới này lây nhiễm cao khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng như sốt, ho. Nếu chưa ở giai đoạn khởi phát, nguy cơ thấp. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề là người chưa có biểu hiện lâm sàng cũng có thể lây nhiễm. Do đó, tốt nhất theo dõi trong vòng 14 ngày kể từ 29/1, tránh tiếp xúc với những người thân khi không cần thiết, nếu cần phải đeo khẩu trang và cách 2 m. Khi có biểu hiện sốt ho, cần đến cơ sở y tế.

- Thưa Phó giáo sư Phan Trọng Lân và Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, tôi xin được hỏi có thông tin cho rằng: nCoV không phát triển và sống được ở môi trường nhiệt độ trên 20 độ C có đúng hay không? Xin được giải thích rõ? (Lê Hoài Sơn, 46 tuổi, 06 Trần Nhật Duật, huyện CưMgar , tỉnh Đắk Lắk)

- Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:

Đặc tính rõ nét của nCoV cho đến nay chưa có thông tin chính thức là ở nhiệt độ nào thì nó bị tiêu diệt. Đây là một chủng trong dòng họ coronavirus, do đó có đặc tính chung của dòng này. Đó là phát triển ở nơi có nhiệt độ thấp và ẩm, thường dưới 25 độ C, chung cho cả dòng coronavirus.

Nhiệt độ ở Việt Nam, cụ thể TP HCM trên 28 độ C là một sự hạn chế với virus này. Điều này cũng đồng nghĩa với "thiên thời", giúp ngăn dịch bùng phát mạnh hơn. Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, virus có thể sống trong giọt bắn của người bệnh, nếu nhiệt độ thấp, thì sức sống của nó rất lâu đến vài giờ. Trong môi trường vừa có nắng, vừa nhiệt độ cao, thì chỉ trong 3-5 phút nó có thể bị tiêu diệt, giúp khả năng lây nhiễm giảm đi nhiều.

- Coronavirus chủng nCoV là gì, nguồn gốc của nCoV? Cơ chế của nCoV lây nhiễm thế nào? (Chu Minh Đức, 24 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)

- Phó giáo sư Phan Trọng Lân:

Virus corona là tên gọi chung cho một chủng virus gây bệnh trên cả động vật và con người, với tên gọi đặc biệt corona-vương miện (trong tiếng Latinh) được dựa trên hình thái giống vương miện của virus này dưới kính hiển vi. Trước khi 2019-nCoV xuất hiện, corona virus gây bệnh trên người 6 loại, trong đó nổi bật nhất là SARS-CoV năm 2003 và MERS-CoV năm 2012, 2015 gây ra các vụ dịch lớn trên thế giới. Bốn chủng virus corona khác gây bệnh cảnh nhẹ với các triệu chứng nhẹ tương tự cảm cúm.

2019-nCoV có bộ gene tương đồng 89% với SARS-CoV và tương đồng 96% với loài corona virus trên dơi. Điều này gợi ý virus có thể có nguồn gốc từ dơi và có cơ chế gây bệnh giống SARS, nhưng không phải SARS. Thực tế cho thấy bệnh cảnh gây ra bởi nCoV nhẹ hơn nhiều so với SARS-CoV.

Bằng chứng hiện nay cho thấy 2019-nCoV lây truyền chính người sang người qua các giọt bắn đường hấp (droplets) hoặc qua các tiếp xúc gần, tương tự như bệnh cúm và các mầm bệnh đường hô hấp khác. Bất kỳ ai tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với người có triệu chứng hô hấp (hắt hơi, ho...) đều có nguy cơ tiếp xúc với các giọt hô hấp bị lây nhiễm. Những người tiếp xúc gần có thể là người trong gia đình, đồng nghiệp, người đi cùng tàu xe, đặc biệt là nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và người chăm bệnh. Sự lây nhiễm qua nhân viên y tế đã được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc (với 16 trường hợp đã báo cáo); và cho đến nay dịch trong cơ sở y tế chưa được ghi nhận. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hệ số lây truyền của nCoV là 1,4-2,5, nghĩa là một bệnh nhân có thể lây nhiễm 1,4 đến 2,5 người khác thông qua giọt bắn hoặc tiếp xúc gần.

Ngoài ra, virus cũng có thể bị lây từ việc gián tiếp khi ai đó chạm tay vào một vật như mặt bàn ghế, giường bệnh, vật dụng mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về khả năng tồn tại ở môi trường của 2019-nCoV. Về mặt lý thuyết thì virus corona, ví dụ như SARS-CoV, có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh. SARS-CoV có thể tồn tại tới 3-4 ngày trên các vật liệu gỗ, vải, giấy, kim loại, da; 4-5 ngày trong nước bọt và chất thải của bệnh nhân. Virus có thể tồn tại với độ lực cao ở 4-20 độ C trong 5 ngày; chỉ mất khả năng lây nhiễm sau 30 phút (ở 56 độ C). Tia cực tím (UV) và các hóa chất khử trùng y tế ở nồng độ thông thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút. 

- Thưa tiến sĩ Hùng, những người mới nghi ngờ nhiễm virus corona đưa vào phòng cách ly thì khả năng chưa nhiễm có thể bị lây từ người đã bị nhiễm. Tôi đang băn khoăn việc này. Cám ơn tiến sĩ. (Loc Vo, 35 tuổi, Q3, TP HCM)

- Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:

Quy trình của chúng tôi trong một bệnh viện là khi bệnh nhân tới sẽ được nhân viên y tế tiếp nhận và thăm khám từ đầu. Nếu có yếu tố nghi ngờ nhiễm bệnh, ngay lập tức sẽ được đưa vào khu vực sàng lọc. Tại đây, chúng tôi tiến hành phân loại nhanh người nào thực sự có nguy cơ nhiễm bệnh. Sau đó, bệnh nhân không có nguy cơ nhiễm bệnh sẽ được giải phóng ngay. Còn bệnh nhân nào nghi ngờ thì đưa vào chuyên khoa. Tại các khoa, có các phòng khác nhau, đầu tiên là phòng cho bệnh nhân nghi ngờ.

Đừng quá lo lắng nếu bạn vào phòng cách ly ở cùng người bệnh. Nhân viên y tế của tôi rất hiểu và có cách phòng tránh. Đó là đeo khẩu trang đặc biệt để phòng chống lây lan cho người khác, cung cấp dịch rửa tay liên tục, các bạn sẽ ở cách xa nhau trong khoảng cách cho phép. Với nCoV thì tối thiểu là trên hai mét. Ngoài ra các biện pháp phòng ngừa cá nhân cũng được áp dụng triệt để.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân sẽ đưa vào cách ly tuyệt đối. Còn những người còn lại, kết quả âm tính, sẽ được đưa ra khỏi phòng cách ly ngay, dĩ nhiên là các bước khử khuẩn sẽ được áp dụng. Song song, nhân viên y tế cũng sẽ khử trùng phòng liên tục bằng các phương pháp chuyên môn.  

Do đó, xin khẳng định việc bị lây nhiễm nếu ở chung phòng với người bệnh, ở trong bệnh viện, là rất khó xảy ra.

- Thưa ông, chủng nCoV giống và khác với virus MERS hoặc SARS như thế nào? (Ngọc Nga, Hà Nội) (Nguyễn Kim Dung, 30 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư Phan Trọng Lân:

Bước đầu cho chúng ta thấy nCoV có cơ chế xâm nhập tế bào tương tự virus SARS.

Tuy nhiên, có sự khác biệt về sự lây truyền bệnh trong khi nCoV hiện nay cho thấy một người có thể lây cho 2 người (2,2) khác thì ở SARS lây truyền từ một người có thể cho gần 3 người (2,7).

Ngoài ra tỷ lệ tử vong cũng có sự khác biệt giữa nCoV và SARS lần lượt là 2,2% so với 10% - chênh lệch gần 5 lần. Nhóm đối tượng nguy cơ tử vong của nCoV là người già và bệnh mạn tính, còn trên SARS là tăng lên dần theo độ tuổi.

Thời gian ủ bệnh cũng là một yếu tố rất được quan tâm và cũng có sự khác biệt rõ ràng. SARS ủ bệnh 5 ngày (dao động 2-10 ngày) còn nCoV 6,1 ngày (dao động 3,8-9,7 ngày).

Điều quan trọng với các bằng chứng bước đầu cho thấy nCoV nhiễm không triệu chứng, có thể lây truyền ngay cả khi chưa có biểu hiện triệu chứng, trong khi SARS có rất ít trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng. Gene của nCoV cũng được phát hiện ở hệ thống giám hội chứng cúm ILI.

Còn tiếp....Phần 2 Tại Đây

 

 

 

TAGS :

TIN MỚI

Giờ làm việc: Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hàng tuần

Sáng: 7h30 đến 12h00 - Chiều: 13h30 - 17h00

Số 11-13-15 Trần Xuân Soạn, P. Phạm Đình Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE: 1900 9204

Điện thoại.(024)-3.622.77.99

Email: support@drbinh.com - Website: www.drbinh.com

Chúng tôi tự hào là đối tác tin cậy của:

Top
zalo
zalo