HOTLINE: 19009204

  • tieng-viet
  • tieng-anh

Bệnh Whitmore: Vi khuẩn có nguy hiểm đến mức “ăn thịt người”?

Bệnh Whitmore có nhiều thể bệnh khác nhau, nhưng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nhất chính là thể nhiễm trùng máu, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.

Bệnh whitmore là bệnh gì?

Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Căn bệnh này do nhà bệnh học có tên Whitmore tìm ra cách đây hơn 100 năm. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh whitmore có xu hướng gia tăng cao điểm vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7-11.

Những con đường lây nhiễm của bệnh whitmore

  • Tiếp xúc trực tiếp các vết xước trầy da với đất hoặc nước nhiễm khuẩn.
  • Hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn.
  • Lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn.
  • Vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei.
  • Tiếp xúc vết xước trầy da với động vật chết do nhiễm bệnh whitmore như chó, mèo, bò, dê…

Bệnh whitmore nguy hiểm như thế nào?

Bệnh whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Bệnh whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đôi khi chỉ là một vết xây xát nhỏ nhưng khi được tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn whitmore thì nguy cơ bạn bị nhiễm trùng, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không có cách phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày.

Người bệnh bị các bệnh lý như tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc whitmore hơn những người khác.

Điều khó khăn hiện nay là bệnh whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như truyền nhiễm, hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa… do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Việc này dẫn đến những khó khăn trong điều trị, có thể khiến bệnh trầm trọng hơn nếu điều trị sai.

Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore?

Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore thường là:

  • Sốt,
  • Viêm phổi,
  • Xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí,
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu…

Những dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất như nông dân. Đối tượng người già cũng rất dễ mắc vì thường có hệ miễn dịch yếu.

Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên, bạn cần hết sức cảnh giác, phải đến ngay những bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, kháng sinh dùng để điều trị vi khuẩn Whitmore không nhiều, cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay” với các loại kháng sinh như ceftazidime, meropenem, cotrimoxazol hoặc các kháng sinh điều trị duy trì như doxycyclin, amoxicillin/acid clavulanic…. Trên lâm sàng nếu người thầy thuốc không nghĩ đến bệnh Whitmore và lại không sử dụng kháng sinh phù hợp với bệnh này thì dễ bỏ sót dẫn đến việc không điều trị được bệnh.

Đối với bệnh nhân đã từng bị whitmore phải thường xuyên tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, phải có sự kiên trì điều trị vì điều trị khỏi bệnh cần đến 6 tháng giống như bệnh nhân bị bệnh lao.

Phòng ngừa bệnh whitmore

Theo khuyến cáo của bác sĩ, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị tấn công.

Các chuyên gia khuyến nghị:

  • Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.
  • Hạn chế các hoạt động tại khu vực bùn lầy đất bẩn, đất nông nghiệp, ao tù nước đọng, ao nuôi cá nuôi tôm... Đặc biệt là khi có vết thương hở, xước xát chân tay hoặc viêm loét của bệnh mạn tính (đái tháo đường, bệnh thận) tại vùng đang có ca bệnh.
  • Nên sử dụng các thiết bị phòng hộ như ủng cao su, găng tay,…
  • Nếu xảy ra vết thương hở trong khi làm việc thì cần vệ sinh sạch với xà phòng, qua trạm y tế để xử lí phù hợp (sát trùng, tiêm SAT, dùng kháng sinh tùy mức độ...) và theo dõi tiến triển hình thành mưng mủ, sưng đau... để đi khám kịp thời.
  • Không được chủ quan lơ là các vết thương, hay triệu chứng bệnh dù nhỏ nhất.

Hiện nay whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó những biện pháp phòng tránh trên mặc dù rất căn bản nhưng chúng ta không được chủ quan.

Nguồn: Tổng hợp.

TAGS :

TIN MỚI

Giờ làm việc: Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hàng tuần

Sáng: 7h30 đến 12h00 - Chiều: 13h30 - 17h00

Số 11-13-15 Trần Xuân Soạn, P. Phạm Đình Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE: 1900 9204

Điện thoại.(024)-3.622.77.99

Email: support@drbinh.com - Website: www.drbinh.com

Chúng tôi tự hào là đối tác tin cậy của:

Top
zalo
zalo