COVID-19 có lây từ mẹ sang thai nhi không?
- Những dấu hiệu thận yếu cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả
- Những bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và cách phòng tránh
- Sốt xuất huyết thường bị vào mùa nào? Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu trong suốt thai kỳ
Đặc trưng của chủng virus corona mới gây dịch tại Vũ Hán (COVID-19) là khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp và có thể làm người bệnh tử vong vì viêm phổi. Phụ nữ mang thai dễ nhiễm mầm bệnh qua đường hô hấp (như bệnh cúm) do hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả và sinh lý hô hấp thay đổi trong giai đoạn mang thai. Vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu phụ nữ mang thai khi nhiễm COVID-19 có lây sang thai nhi hay không?
Nghiên cứu do các chuyên gia ở Đại học Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG) thực hiện. Theo đó, phụ nữ mắc COVID-19 dường như không truyền bệnh cho em bé nếu áp dụng và tuân thủ tốt các biện pháp phòng ngừa do ngành y đưa ra.
Nghiên cứu theo dõi các cặp mẹ và bé ở 3 bệnh viện New York, Mỹ với tổng số 120 trẻ sơ sinh tham gia. Kết quả, không một trẻ nào bị dương tính với SARS-CoV-2 mặc dù chúng được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm bệnh. Sau đó trẻ sơ sinh còn được theo dõi tiếp 2 tuần khi ở chung phòng với mẹ. Một số trẻ còn được bú sữa mẹ nhưng kết quả rất khả quan. Đây là nghiên cứu quy mô nhỏ và sẽ thực hiện ở các nghiên cứu có quy mô lớn hơn.
Cụ thể, nhóm trẻ trong nghiên cứu được sinh ra từ ngày 22/3 đến ngày 17/5/2020. Các bà mẹ đều dương tính với SARS-CoV-2 tại thời điểm sinh em bé. Tất cả đều thực hành "chăm sóc bé da kề da" và cho con bú, khi tiếp xúc mẹ-con đều đeo mặt nạ. Ngoài ra, các bà mẹ còn được thực hiện các khâu vệ sinh đúng cách trước bất kỳ hình thức tiếp xúc da kề da nào với con mình. Khi không cho con bú hoặc chăm sóc, trẻ sơ sinh được nuôi trong môi trường cách ly kín ở cùng phòng với mẹ. Sau đó, các em bé đã được kiểm tra SARS-CoV-2 thông qua PCR thời gian thực hoặc xét nghiệm bệnh phẩm, trong 24 giờ đầu tiên, và giai đoạn 5 đến 7 ngày và 14 ngày tuổi.
Phụ nữ mang thai không truyền COVID-19 cho em bé nếu tuân thủ tốt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Trong số 120 trẻ sơ sinh, không có xét nghiệm dương tính nào trong vòng 24 giờ đầu tiên. 82 bé, hoặc 68% được thực hiện ở 3 giai đoạn nói trên. Vào cuối 14 ngày, 72 trẻ sơ sinh đã được thử nghiệm và không một trẻ nào có biểu hiện triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. "Chúng tôi hy vọng nghiên cứu trên mang lại sự yên tâm cho các bà mẹ mới mang thai, giúp họ an tâm khi vượt cạn, nguy cơ truyền COVID-19 từ mẹ sang con của họ là rất thấp, với điều kiện mẹ bầu cần chấp hành tốt các khuyến nghị về phòng tránh, điều trị do các bác sĩ đưa ra”, nữ bác sĩ, tiến sĩ, Christine M. Salvatore, người đứng đầu nghiên cứu kết luận.
Nên chủ động phòng ngừa COVID-19
Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng COVID-19 nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh. Nói chung, bạn nên thận trọng hơn trong việc rửa tay và tránh tiếp xúc với những người bệnh khi bạn đang mang thai.
Nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, mẹ bầu nên thực hiện những việc sau:
Thực hành "giãn cách xã hội". Điều quan trọng nhất là tránh tiếp xúc với những người bị bệnh. Giãn cách xã hội cũng có nghĩa là tránh xa tất cả những người không sống trong gia đình.
Tránh đám đông là một phần quan trọng của việc giãn cách xã hội nhưng ngay cả khi tham gia một cuộc tụ họp nhóm nhỏ thì cũng có thể có rủi ro. Vì vậy, tốt nhất mẹ bầu nên ở nhà nhiều nhất có thể. Khi cần ra ngoài, hãy cố gắng ở cách xa người khác ít nhất 2m.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đây là lời khuyên của các chuyên gia y tế. Nếu bị bệnh, có hay không có triệu chứng, mẹ bầu sẽ ít có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác hơn.
Hoàn toàn có thể dùng vải hoặc khẩu trang tự chế để che miệng và mũi, không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế. Khẩu trang vải hoạt động tốt nhất nếu chúng có nhiều lớp vải. Khi tháo khẩu trang ra, hãy đảm bảo không chạm vào mắt, mũi hoặc miệng và rửa tay sau khi chạm vào mặt. Nên giặt và khử trùng hàng ngày các loại khẩu trang đang sử dụng để đảm bảo an toàn, diệt khuẩn tốt hơn.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi ra nơi công cộng hoặc chạm vào các bề mặt mà nhiều người khác cũng chạm vào, như tay nắm cửa hoặc lan can. Nguy cơ bị nhiễm bệnh khi chạm vào những vật dụng này là có nhưng không thể xác định chính xác tỷ lệ. Tuy nhiên, các mẹ bầu vẫn nên rửa tay thường xuyên.
Đảm bảo chà rửa tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây, làm sạch cổ tay, móng tay và kẽ ngón tay. Sau đó rửa sạch tay và lau khô bằng khăn giấy mà có thể vứt bỏ. Nếu không có sẵn bồn rửa tay, có thể dùng các dung dịch rửa tay nhanh. Các loại dung dịch rửa tay nhanh phải có ít nhất 60% cồn. Nhưng nếu có thể thì tốt nhất nên rửa tay bằng xà phòng và nước.
Tránh chạm vào mặt, đặc biệt là miệng, mũi và mắt.
Tránh đi du lịch. Một số chuyên gia khuyến cáo không nên đi du lịch đến hoặc đi từ các khu vực nhất định có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19. Nhưng bất kỳ hình thức du lịch nào, đặc biệt nếu dành thời gian ở những nơi đông đúc như sân bay, đều làm tăng rủi ro. Càng có nhiều người đi du lịch thì sẽ càng làm tăng khả năng virus lây lan đến nhiều nơi trên thế giới hơn.
Nếu cần đi đến 1 vùng khác hay 1 đất nước khác, hãy nhớ kiểm tra xem có quy định nào về COVID-19 trong khu vực đến hay không. Một số nơi họ sẽ bắt buộc phải cách ly trong 14 ngày nếu đến từ vùng có dịch tễ nhiễm COVID 19. Các quy tắc này nhằm giúp ngăn ngừa các trường hợp COVID-19 mới.
Nguồn: Suckhoedoisong