Đang đi ngoài trời nắng mà thấy có hiện tượng choáng, chuột rút, nôn... thì khẩn trương gọi cấp cứu
- Những dấu hiệu thận yếu cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả
- Những bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và cách phòng tránh
- Sốt xuất huyết thường bị vào mùa nào? Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu trong suốt thai kỳ
Những ngày này ở Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đang diễn ra đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt ngoài trời lên đến trên 40 độ C. Thời tiết này dễ khiến người đang khoẻ mạnh có thể bị rơi vào tình trạng nguy kịch, dễ mất mạng như chơi.
Miền Bắc đang rơi vào thời kỳ nắng nóng đỉnh điểm với nền nhiệt cao, có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C
Nhiều người nguy kịch vì nắng nóng
Bệnh nhân P.H.L (45 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) có biểu hiện sa sẩm mặt mày, nghỉ ngơi không đỡ, sau đó có biểu hiện nôn ói, chóng mặt. Tình trạng càng nặng khi bệnh nhân có dấu hiệu sốt, nôn nhiều, người nhức mỏi khó chịu. Sau đó, gia đình buộc phải cho bệnh nhân nhập viện, tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán các triệu chứng trên do say nắng.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân đi bộ từ nhà ra chợ mua đồ. Giữa thời tiết nắng nóng nhưng chủ quan không che chắn kĩ lưỡng, lại di chuyển quá lâu dưới trời nắng gắt, cơ thể hấp thụ một lượng lớn nhiệt nên dẫn tới tình trạng trên.
Hiện nay, miền Bắc đang trong thời kỳ nắng nóng cao điểm, kéo dài, có lúc, nhiệt độ ngoài trời lên ngưỡng 40 độ C. Với tình hình thời tiết khắc nghiệt trên, nếu phải làm việc, di chuyển phải tiếp xúc lâu dưới nắng nóng hoặc chịu tác động của nắng nóng gay gắt, cơ thể chắc chắn sẽ bị tổn thương.
Theo TS Vũ Quốc Bình – Chủ tịch Phòng khám DR Binh, Nguyên Giám đốc Bệnh viện 354, tổn thương của cơ thể do nắng - nóng có thể được xem như là sự tiếp diễn của các bệnh lý liên quan đến việc cơ thể mất khả năng đối phó với việc nhiệt độ cơ thể tăng cao. Điều này có thể xảy ra khi quá trình sinh nhiệt của con người vượt quá khả năng điều hoà nhiệt so với nhiệt độ bên ngoài.
Điều đó đồng nghĩa, khi nhiệt độ môi trường bên ngoài quá cao, cao hơn so với thân nhiệt con người, đó là tín hiệu tiêu cực ảnh hưởng đến sức khoẻ vì nó buộc thân nhiệt phải điều chỉnh ôn hoà so với nhiệt độ môi trường. Khi này, cơ thể rất khó thải nhiệt, ngược lại còn có thể bị hấp thu nhiệt từ môi trường.
Và khi cơ thể bị rối loạn khả năng cân bằng, cơ thể dẫn đến hàng loạt các bệnh, triệu chứng khác nhau mà nếu không được xử lý kịp thời, con người có thể nguy hiểm tới tính mạng. Trong số đó, các biểu hiện diễn tiến theo 3 cấp bậc: mức độ nhẹ, mức độ vừa và mức độ nặng.
Choáng váng, chuột rút: Xử lý nhanh trước khi tiến triển nặng
Theo đó, ở mức độ nhẹ, cơ thể con người gặp phải hai triệu chứng choáng váng và chuột rút.
Trong đó, choáng váng do nóng thường xảy ra với biểu hiện hạ huyết áp khi con người ở tư thế đứng. Lí do, sự suy giảm khối lượng máu lưu thông, giãn mạch và ứ máu tĩnh mạch vùng cẳng chân khiến cơ thể có biểu hiện kể trên.
Với chuột rút, đó là khi các cơ bị co đột ngột, gây đau mạnh thường ở vùng cẳng chân, cơ sau đầu, cơ bụng. Biểu hiện liên quan đến việc mất nước, mất cân bằng điện giải và giảm dẫn truyền thần kinh cơ.
Chuột rút là một trong những tín hiệu thông báo cơ thể đang mất nước, mất điện giải
Những biểu hiện kể trên chỉ điểm sớm nhất các tổn thương do nóng, có thể xuất hiện một cách độc lập hoặc cùng các triệu chứng khác. Tuy nhiên, dù bất kể xuất hiện một hay nhiều triệu chứng, cơ thể cũng cần phải lấy lại cân bằng nhiệt bằng việc bù nước, bù chất điện giải tránh để tình trạng tăng nặng.
Khi choáng váng do nắng, bệnh nhân nên lập tức nghỉ ngơi trong bóng mát, cởi bỏ quần áo ngoài, thông khí, nằm ngửa đầu thấp để tạo điều kiện cho máu về não. Với chuột rút, đầu tiên, bệnh nhân cần giảm co cứng cơ bằng việc ngừng hoạt động, từ từ duỗi cơ và xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ cứng. Sau đó, nhanh chóng bù nước và điện giải, có thể uống nước pha chút muối ăn.
Nôn, sốt cao… biểu hiện cơ thể cận kề nguy hiểm
Theo bác sĩ, kiệt sức do nắng - nóng là do cơ thể quá mệt vì gánh nặng nhiệt với các biểu hiện vã mồ hôi đầm đìa, buồn nôn, nôn, đau đầu, hoa mắt, mệt mỏi và thân nhiệt khoảng 38 - 40 độ C. Tuy nhiên, điều đáng khác biệt so với cấp độ say nắng nặng hơn là tinh thần bệnh nhân vẫn bình thường, ổn định. Với giai đoạn này, nếu không kịp thời điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể dẫn tới đột quỵ do nắng nóng.
Tác động nặng nề nhất của nắng nóng đến cơ thể chính là thể đột quỵ. Khi này, trạng thái toàn thân rất nặng với biểu hiện thân nhiệt tăng không ngừng, có những lúc nhiệt độ lõi của cơ thể lên đến > 40 độ C. Với thân nhiệt quá cao, bệnh nhân có thể dẫn tới viêm toàn thân, hội chứng suy đa phủ tạng, não bị tác động nặng nề và bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nhất.
Bác sĩ nhấn mạnh, với những người có biểu hiện đột quỵ, kiệt sức, người bên cạnh nên đưa nạn nhân đến vị trí thoáng mát, cởi bỏ quần cáo và báo ngay nhân viên y tế cấp cứu. Nếu nạn nhân ngừng tuần hoàn hô hấp, người thân cần tiến hành hô hấp nhân tạo. Sau đó, đo nhiệt độ dưới lưỡi hoặc nhiệt độ hậu môn nếu có điều kiện.
Khi sơ cứu người say nắng nóng, người thân có thể dùng nước mát, nước đá áp vào những vị trí góp phần hạ thân nhiệt tốt nhất: cổ, nách, bẹn.
Đặc biệt, áp dụng ngay lập tức và mạnh mẽ các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ cơ thể xuống bằng việc quạt gió, lau khăn lạnh hoặc nước có cồn loãng. Với các trường hợp đáp ứng chậm, không cải thiện cần được nhanh chóng vận chuyển về cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần nắm rõ những biểu hiện bất thường của cơ thể trong và sau khi di chuyển, làm việc dưới trời nắng nóng để kịp thời điều trị, tránh tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm của các triệu chứng kể trên. Ngoài ra, với thời tiết này, mọi người nên bù đủ số lượng nước cơ thể cần, nhất là người già và trẻ nhỏ. Khi di chuyển ra ngoài, nên che chắn kĩ càng, không nên ra ngoài vào những khung giờ nắng nóng đỉnh điểm.