Ngành dược Trung Quốc điêu đứng sau scandal vắc xin rởm
- Những dấu hiệu thận yếu cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả
- Những bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và cách phòng tránh
- Sốt xuất huyết thường bị vào mùa nào? Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu trong suốt thai kỳ
Bê bối vắc xin DPT giả của công ty Trường Sinh là scandal mới nhất đe dọa tham vọng dẫn đầu ngành dược của Trung Quốc.
Ngày 20/7, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm tỉnh Cát Lâm công bố về bê bối của Công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh. Công ty này đã bán 252.600 liều vắc xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván kém chất lượng cho Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Sơn Đông, cơ quan y tế công của tỉnh Sơn Đông chịu trách nhiệm về sức khỏe của 100 triệu dân.
Ngoài việc bán vắc xin kém chất lượng, Trường Sinh còn làm giả giấy tờ liên quan đến vắc xin bệnh dại dùng cho trẻ em từ ba tháng tuổi.
Ngay khi công bố, bê bối vắc xin Trường Sinh lập tức gây ra làn sóng phẫn nộ. SCMP đưa tin, trên mạng xã hội, hashtag liên quan đến vụ việc được truy cập 600 triệu lần. Hàng loạt phụ huynh bày tỏ sự giận dữ và mất tin tưởng vào các công ty dược phẩm nước nhà.
"Ngày hôm qua là sữa giả, hôm nay vắc xin giả. Ngày mai sẽ đến thứ gì?", một tài khoản nhắc đến vụ sữa bột pha melamine khiến 6 trẻ sơ sinh tử vong năm 2008.
Tại Trung Quốc, an toàn thực phẩm và dược phẩm vốn là chủ đề nhạy cảm do chuỗi scandal liên tiếp xảy ra 10 năm qua. Tháng 11/2017, Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán bán hơn 400.000 liều vắc xin DPT kém chất lượng cho tỉnh Hà Bắc và thành phố Trùng Khánh. Tháng 11/2016, cảnh sát Trung Quốc phát hiện số vắc xin trị giá hơn 85 triệu USD đã hết hạn hoặc lưu trữ sai cách được bán trên chợ đen.
Không chỉ ảnh hưởng thị trường nội địa, scandal mà mới nhất là vắc xin Trường Sinh đe dọa tham vọng dẫn đầu ngành dược toàn cầu của Trung Quốc. Ngày 23/7, cổ phiếu các công ty sản xuất vắc xin và công nghệ sinh học Trung Quốc đồng loạt giảm. Chỉ số CSI 300 lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tụt 5%. Chưa kể, tuần trước, một loại thuốc chữa huyết áp và bệnh tim do Công ty Dược phẩm Zhejiang Huahai sản xuất bị các nhà quản lý châu Âu nghi ngờ chứa tạp chất liên quan đến ung thư...
Liên quan đến bê bối vắc xin Trường Sinh, hiện chưa có báo cáo nào về thương vong song nhà chức trách đã yêu cầu công ty này ngừng sản xuất đồng thời thu hồi toàn bộ sản phẩm. Đáp lại, Trường Sinh đưa ra lời xin lỗi nhưng cho rằng ngừng sản xuất vắc xin sẽ gây tổn thất tài chính và dẫn đến nguy cơ bị xóa tên khỏi sàn chứng khoán. Kế hoạch xuất khẩu vắc xin đến Ấn Độ, Campuchia, Nigeria được cấp giấy phép từ năm 2017 của Trường Sinh chắc chắn cũng gặp trở ngại...
Vốn là thị trường thuốc lớn thứ hai thế giới, giờ đây Trung Quốc phải đối mặt với không ít thách thức để lấy lại hình ảnh ngành dược phẩm của mình.
Nguồn: VnExpress.net