Người đang co giật, 'nuốt lưỡi' nên sơ cứu như thế nào?
- Những dấu hiệu thận yếu cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả
- Những bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và cách phòng tránh
- Sốt xuất huyết thường bị vào mùa nào? Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu trong suốt thai kỳ
Nhiều chuyên gia y khoa cho rằng việc bế bé trai chạy và cho tay vào miệng cháu bé là chưa đúng cách khi cấp cứu nạn nhân bị co giật, động kinh.
Những ngày gần đây, xuất hiện rất nhiều những thông tin liên quan tới trẻ nhỏ như: trường hợp bé trai lớp 1 tại trường quốc tế tử vong do bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón hay gần đây cư dân mạng truyền tay chia sẻ hình ảnh anh chiến sĩ cảnh sát cơ động đưa tay vào miệng một em bé trai đang bị co giật với mục đích giúp em tránh bị cắn vào lưỡi mà nguy đến tính mạng.
Không thể phủ nhận đây là hình ảnh đẹp, rất nhân văn và ý định tốt đẹp của anh cảnh sát đó rất đáng được tôn trọng. Tuy nhiên, đứng về phương diện y học, các bác sĩ cho rằng việc làm trên là cấp cứu chưa đúng và sẽ không mang lại hiệu quả cấp cứu tốt nhất, đặc biệt là việc cho tay vào miệng cháu bé và bế cháu bé chạy đi cấp cứu trong nhiều trường hợp sẽ gây ra các hậu quả khó lường.
Điều đó cho thấy rằng kiến thức sơ cấp cứu của những người làm việc tại nơi công cộng hiện đang rất thiếu sót.
Vậy phải làm sao khi một người bị co giật? Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ về cách thức xử trí đúng với một bệnh nhân co giật mà mọi người nên tham khảo để áp dụng khi cần thiết.
Việc nên khi gặp trường hợp co giật, động kinh:
1. Giữ tâm trạng bình tĩnh và yêu cầu người xung quanh bình tĩnh, lùi ra phía sau.
2. Nhẹ nhàng đỡ lưng người đang bị co giật nằm xuống một mặt phẳng an toàn như sàn nhà hoặc miếng nệm. Không nên để nằm trên giường vì có thể bị té.
3. Xoay lưng người đang co giật, để họ nằm nghiêng một bên, hành động này giúp họ dễ thở hơn, tránh bị sặc các chất nôn.
4. Kê một cái gối mềm dưới đầu, hoặc có gì dùng đó, như gấp mền nhỏ, áo khoác... đều được.
5. Nhanh chóng thu dọn vật cứng, sắc nhọn, dễ cháy... để tránh chấn thương cho người sơ cứu và người co giật.
6. Xem trên người của người đang bị co giật có gì nguy hiểm không, ví dụ như mắt kính, nới lỏng cà ra vát, khuy áo sơ mi... Nếu có dây nhợ gì trên cổ, trên người nên tháo ra đề phòng thắt, ngạt.
7. Theo dõi và ghi nhận những gì đang xảy ra (co giật một bên hay hai bên, tay hay chân hay cả hai, có trợn mắt, gồng người hay không, có bị tiểu ướt quần hay không...) để bạn có thể kể lại với bác sĩ hoặc với người co giật sau này.
8. Xem đồng hồ, tính thời gian cơn co giật (điều này rất quan trọng), nếu cơn co giật quá 5 phút phải gọi cấp cứu.
Việc KHÔNG NÊN làm khi gặp người co giật, động kinh:
1. Không cố gắng đè lên người co giật hoặc cố gắng làm bất kỳ điều gì để dừng cơn co giật, điều này là vô ích.
2. Không cho bất kỳ vật gì, chất gì vào miệng người co giật, kể cả tay của bạn.
3. Không hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân vì người đang co giật vẫn tự thở được.
4. Không cho người co giật vào bồn tắm vì có thể gây ngạt, sặc nước thêm.
Khi nào thì cần gọi cấp cứu?
Nên gọi cấp cứu khi:
- Người bệnh bị co giật lần đầu tiên.
- Người bệnh bị co giật hơn 5 phút
- Người bệnh bị co giật hơn 1 lần, đợt này tiếp ngay sau đợt khác
- Người bị co giật không tỉnh lại sau khi co giật đã chấm dứt
- Nạn nhân bị chấn thương khi đang co giật
Nguyên tắc quan trọng nhất trước khi học cách cứu người là phải gọi điện cho bệnh viện hoặc các đơn vị có khả năng cấp cứu ngay lập tức. Sau đó, trong thời gian chờ đợi, hãy xem bản thân có thể giúp đỡ nạn nhân theo cách nào. Ngoài ra, hãy lưu ý tới sự an toàn của chính mình.
Chính vì thế chúng ta cần phải trang bị những kỹ năng sơ cấp cứu liên quan để có thể tăng cường khả năng sống sót của bản thân, gia đình và những người xung quanh trong những tình huống nghiêm trọng.
Nguồn: CDC