HOTLINE: 19009204

  • tieng-viet
  • tieng-anh

Tăng huyết áp: "Kẻ giết người" thầm lặng, nguy hiểm nhất Việt Nam - Phần 3:TRIỆU CHỨNG VÀ CÁC BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì. Trên thực tế, rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết, cho đến khi đi khám bệnh và biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra rồi mới biết mình bị tăng huyết áp.
 

1. Triệu chứng

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (American Heart Association), những người tăng huyết áp, đặc biệt là đối với tăng huyết áp giai đoạn đầu thường không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Một số người chỉ phát hiện tình trạng tăng huyết áp sau khi đã bị tai biến mạch máu não, suy thận hoặc giảm thị lực. Vì vậy, tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết ngươi thầm lặng”.

Triệu chứng thường gặp của tăng huyết áp là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, nhìn mờ. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện thoáng qua hoặc là biểu hiện của một số bệnh khác nên thường bị người bệnh bỏ qua.

Các triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện sau khi ngừời bệnh đã bị tăng huyết áp vài năm…

Cách duy nhất để biết mình bị tăng huyết áp là đo huyết áp. Bác sỹ hoặc nhân viên y tế có thể đo huyết áp cho bạn.

Theo khuyến cáo của WHO-ISH và hội tim mạch Việt Nam (2010) hãy tham khảo ở bảng sau để biết mức độ huyết áp của bạn.

Mặc dù, tăng huyết áp thường không có biểu hiện nhưng bạn nên biết một số dấu hiệu nhận biết về các biến chứng nguy hiểm của nó để có biện pháp can thiệp kịp thời.

2. Các biến chứng thường gặp

Một khi bạn mắc cao huyết áp thì sẽ có rất nhiều các biến chứng bắt đầu nảy sinh, nó âm thầm gây tổn hại nhiều cơ quan trong cơ thể.

Phần lớn trong số đó là những biến chứng bạn có thể chưa bao giờ nghĩ đến hoặc liên hệ chúng với cao huyết áp nhưng những biến chứng này thực sự tồn tại và chắc chắn sẽ xảy ra.

CLIP CƠ CHẾ GÂY BIẾN CHỨNG CỦA TĂNG HUYẾT ÁP

Thông thường biến chứng do cao huyết áp được chia làm 3 loại:

• Liên quan đến mắt và não bộ: Mất thị lực, đột quỵ

- Biến chứng mất thị lực “retinopathy” do cao huyết áp (retinopathy là một chứng bệnh về võng mạc).

Võng mạc là lớp trong cùng của mắt có chức năng chuyển hình ảnh tới bộ não vì vậy khi mạch máu bị tổn thương do cao huyết áp, máu sẽ không được cung cấp cho võng mạc, các vấn đề về thị lực sẽ xuất hiện.

- Biến chứng mà chúng ta thường gặp ở não bộ là đột quỵ.

Não bộ là cơ quan quan trọng nhất của bạn, nó cần một nguồn cung máu ổn định trong mọi trường hợp. Nếu mà mạch máu cung cấp oxy cho một phần nhất định của bão bộ bị tắc nghẽn hoặc nếu những mạch máu này bị vỡ do thành mạch quá yếu, não bộ của bạn sẽ không nhận được đủ máu.

Và trong vài phút, những tế bào não không nhận được oxy sẽ bắt đầu chết đi, và chức năng mà phần não bộ này đảm nhiệm có thể sẽ bị mất đi như vùng vận động (liệt), vùng ngôn ngữ (khó nói, không hiểu người khác nói).

Dấu hiệu nhận biết đau tim, đột quỵ bạn cần phải nhớ.

• Liên quan đến tim: Suy tim, phì đại tâm thất trái, bệnh động mạch vành…

Cao huyết áp là nguyên nhân chính gây ra suy tim, dẫn đến tim không đập được như bình thường.

Khi sự lưu thông máu bị cản trở, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để đẩy máu, đặc biệt là tâm thất trái vì nó phải dẫn máu đến khắp cơ thể, tâm thất trái sẽ trở nên to hơn do phải đập nhiều hơn.

Việc này làm thay đổi hình dạng của tâm thất trái (phì đại tâm thất trái), thực sự gây ảnh hưởng đến khả năng co bóp của tim và đó là thời điểm tim bắt đầu bị suy yếu.

Một biến chứng nữa của tim là bệnh động mạch vành. Động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim vì vậy khi động mạch vành bị tắc nghẽn và tổn thương do tăng huyết áp, hình thành huyết khối, ngăn cản máu đến cơ tim.

Và khi không có máu, các tế bào cơ tim bắt đầu chết dần, gây ra những cơn đau tim, hay còn được gọi là nhồi máu cơ tim.

• Liên quan đến động mạch ngoại biên (PAD): Bệnh động mạch ngoại biên hay là chứng xơ vữa động mạch ngoại biên, tức là mảng xơ cứng xuất hiện ở các bộ phận khác ngoài hai cơ quan não và tim

Một số bộ phận thường bị ảnh hưởng nhiều nhất do xơ vữa động mạch ngoại biên là chân, tay, dạ dày và thận. Tại những bộ phận này, oxy không đủ cung cấp cho các cơ quan hay mô ngoại vi nên gây ra các hiện tượng như lở loét, hoại tử.

Cần đặc biệt chú ý nhất là thận, vì thận là cơ quan ngoại vi hay bị tổn thương nhất do tăng huyết áp.

Nếu các mảng bám hình thành hay thành mạch bị tổn thương, giảm lưu lượng máu đến thận, thì thận bị tổn thương và chức năng của thận bị suy giảm giống như các cơ quan khác.

Nếu mạch máu tại thận bị tắc nghẽn, thận sẽ phát hiện lưu lượng máu giảm đi và rồi thận sẽ tiết ra một số hocmon khiến cơ thể giữ lại nhiều dịch hơn làm tăng lưu lượng máu, do đó huyết áp tăng lên.


TAGS :

TIN MỚI

Giờ làm việc: Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hàng tuần

Sáng: 7h30 đến 12h00 - Chiều: 13h30 - 17h00

Số 11-13-15 Trần Xuân Soạn, P. Phạm Đình Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE: 1900 9204

Điện thoại.(024)-3.622.77.99

Email: support@drbinh.com - Website: www.drbinh.com

Chúng tôi tự hào là đối tác tin cậy của:

Top
zalo
zalo