HOTLINE: 19009204

  • tieng-viet
  • tieng-anh

Việt Nam phát hiện trường hợp trẻ sơ sinh đầu tiên nghi mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, ngày 14/10/2016 Bộ Y tế đã ghi nhận 01 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ.

Bộ Y tế đưa ra kết luận này sau quá trình xem xét về bệnh cảnh lâm sàng, các yếu tố dịch tễ, xét nghiệm, kết quả chụp cắt lớp não bộ...  Trẻ có các biểu hiện điển hình của chứng đầu nhỏ liên quan đến Zika: vòng đầu nhỏ hơn hẳn bình thường, trán phẳng. Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 5 lần xét nghiệm đều cho thấy cả mẹ và bé đã nhiễm Zika trước đó. Người mẹ có biểu hiện sốt, phát ban trong tháng thứ 3 và thứ 6 của thai kỳ.

Điều tra dịch tễ cho thấy người mẹ có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh Zika vào lúc mang thai 3 tháng. Chưa phát hiện các yếu tố có thể gây dị tật đầu nhỏ cho bé từ người mẹ như nhiễm khuẩn, tiếp xúc hóa chất độc hại, hút thuốc lá, nghiện rượu bia.

Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận trẻ sinh ra bị chứng đầu nhỏ do virus Zika. Trước đó, Thái Lan xác nhận 2 trẻ sơ sinh nước này bị đầu nhỏ liên quan đến virus Zika.

Ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận em bé cư ngụ tại huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Ngay lập tức Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch bệnh do virus Zika lên cấp 3.

Brazil đã ghi nhận gần 5.000 trường hợp mắc dị tật đầu nhỏ do liên quan đến virus Zika. Đến nay các chuyên gia vẫn chưa lý giải vì sao số trường hợp bị đầu nhỏ tại nước này lại nhiều đến như thế. Chủng virus Zika bùng phát tại quốc gia này có đặc điểm tương đồng với chủng virus Zika tại châu Á.

Đến nay, cả nước ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM nhiều nhất với 5 ca, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi nơi một bệnh nhân.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, thai phụ cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc từng đến vùng có dịch có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.

Bệnh Zika thường nhẹ, chỉ nguy hiểm với thai phụ trong 3 tháng đầu. Dù vậy, theo thống kê có 1-10% thai phụ mắc Zika sinh con bị dị tật đầu nhỏ.

Các chuyên gia lo ngại biểu hiện chứng đầu nhỏ rõ nhất vào các tháng cuối tháng thai kỳ, do đó khi phát hiện thì không thể can thiệp xử lý. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo thai phụ siêu âm để có thể chẩn đoán chứng não nhỏ trước khi sinh nếu đo vòng đầu thai nhi trong hai tuần liên tiếp mà thấy vòng đầu không tăng, tiến sĩ Phu cho biết. 

 

 

TAGS :

TIN MỚI

Giờ làm việc: Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hàng tuần

Sáng: 7h30 đến 12h00 - Chiều: 13h30 - 17h00

Số 11-13-15 Trần Xuân Soạn, P. Phạm Đình Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE: 1900 9204

Điện thoại.(024)-3.622.77.99

Email: support@drbinh.com - Website: www.drbinh.com

Chúng tôi tự hào là đối tác tin cậy của:

Top
zalo
zalo