Nhiều chính sách về bảo hiểm y tế có hiệu lực trong tháng 8/2020
- Những dấu hiệu thận yếu cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả
- Những bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và cách phòng tránh
- Sốt xuất huyết thường bị vào mùa nào? Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu trong suốt thai kỳ
Thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế được Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, học viên đào tạo sĩ quan dự bị được tham gia BHYT... là những chính sách về BHYT có hiệu lực trong tháng 8 này.
Thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT thanh toán từ 10/8
Tại Thông tư 13/2020/TT-BYT Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016/TT-BYT về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, có hiệu lực từ ngày 10/8/2020 thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT thanh toán. Cụ thể: Nhóm dịch vụ Chụp cắt lớp vi tính 64-128 dãy: Bổ sung trường hợp bệnh nhân chụp mô phỏng lập kế hoạch xạ trị: u não (thân não và/hoặc tiểu não), ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung, ung thư di căn cột sống; chụp dựng hình 3D đường dẫn khí; chụp ngực trên người bệnh suy hô hấp; chụp toàn thân để đánh giá các giai đoạn của u hoặc đa chấn thương.
Nhóm dịch vụ Chụp cắt lớp vi tính từ 256 dãy trở lên: Bổ sung trường hợp chụp đánh giá giai đoạn, tái phát, di căn, đáp ứng điều trị ung thư, để chỉ định phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, miễn dịch; Mô phỏng lập kế hoạch xạ trị: u não (thân não và/hoặc tiểu não), ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung, ung thư di căn cột sống; chụp toàn thân để đánh giá các giai đoạn của u hoặc đa chấn thương...
Cũng theo quy định mới, thêm những trường hợp sau đây bệnh nhân được BHYT thanh toán khi chụp động mạch vành: Người bệnh có chỉ định phẫu thuật tim, mạch máu lớn, tuổi trên 45 đối với nam hoặc trên 50 đối với nữ; người bệnh có chỉ định ghép tạng; các dị tật bẩm sinh, mắc phải về hệ mạch vành...
Từ 21/8/2020, học viên đào tạo sĩ quan dự bị được tham gia BHYT
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 79/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Đáng chú ý, học viên đào tạo sĩ quan dự bị được tham gia BHYT khi đáp ứng một số yêu cầu. Cụ thể, Khoản 5, Điều 7 của Nghị định nêu: Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 3 tháng trở lên chưa tham gia BHXH, BHYT, trong thời gian đào tạo được cơ sở đào tạo đóng BHYT; mức đóng, hưởng BHYT được thực hiện như đối với hạ sĩ quan tại ngũ.
Điều 6 của Nghị định 79/2020/NĐ-CP cũng quy định: Quân nhân dự bị không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT quy định tại Khoản 6 Điều 30 của Luật trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ, nếu bị ốm đau, bị tai nạn hoặc chết được thực hiện như sau:
Chế độ khám bệnh, chữa bệnh: Được khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh quân, dân y; được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tiền ăn bệnh lý theo hóa đơn thu tiền (nếu điều trị nội trú); nếu hết thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động mà phải tiếp tục điều trị thì được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý tối đa không quá 15 ngày.
Chế độ trợ cấp tai nạn: Quân nhân dự bị nếu bị tai nạn được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên khám, giám định kết luận mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng trợ cấp trong trường hợp: Trên đường từ nơi ở đến nơi tập trung huấn luyện hoặc khi kết thúc đợt tập trung huấn luyện trở về nơi ở; trong giờ làm việc và tại nơi thực hiện nhiệm vụ; ngoài giờ làm việc, ngoài nơi làm nhiệm vụ khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người chỉ huy có thẩm quyền. Suy giảm khả năng lao động 5% thì được trợ cấp một lần bằng 8.000.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 800.000 đồng.
Chế độ trợ cấp đối với trường hợp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro: Chết do tai nạn, gia đình được trợ cấp một lần bằng 57.600.000 đồng, thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng; chết do ốm đau, tai nạn rủi ro, gia đình được trợ cấp một lần bằng 4.800.000 đồng, thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng.
Mặt khác, trường hợp quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi khám, chữa bệnh thì gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động...
Nguồn: Suckhoedoisong